Dự án thép Hoa Sen Cà Ná – và sự im lặng của báo chí

Blogger Mẹ Nấm

Đến hôm nay, những thông tin phản biện dự án thép Hoa Sen Cà Ná gần như im bặt trên báo chí. “Dừng phản biện, đưa tin về dự án thép của Tôn Hoa Sen” là chỉ thị cuối cùng từ cuộc họp thứ Ba hàng tuần của Ban tuyên giáo kể từ ngày 13/9/2016. Vậy là một lần nữa vai trò thông tin, khảo sát của truyền thông bị gạt ra bên ngoài một dự án có tầm ảnh hưởng lâu dài đến môi trường sống của người dân.

Chỉ thị “dừng đưa tin” lần này của Ban tuyên giáo được ban ra trong bối cảnh dự án thép Hoa Sen Cà Ná nhận khá nhiều phản hồi lo ngại từ báo chí kể từ sau thảm họa môi trường xảy ra tại 4 tỉnh ven biển miền Trung hồi tháng 4/2016.

Hàng loạt câu hỏi liên quan đến công nghệ, nguồn vốn và tính khả thi của dự án chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng trong khi tỉnh Ninh Thuận khá ráo riết và mặn mà với dự án thép của tập đoàn Hoa Sen. Thậm chí ngay cả khi UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức họp báo về Festival Nho và Vang (chiều ngày 14/9/2016) ban tổ chức cũng tranh thủ phát thông cáo báo chí về dự án thép Hoa Sen Cà Ná (1).

Có lẽ bài học từ Formosa vẫn chưa đủ lớn để chính phủ, Ban tuyên giáo và các lãnh đạo nghiêm túc đặt vấn đề cho sự phát triển bền vững thay vì phê duyệt cho các dự án xây dựng nhà máy thép dọc theo các bờ biển trải dài khắp Việt Nam.

Yếu tố công khai minh bạch một lần nữa lại bị xem nhẹ trong việc phê duyệt đầu tư và chỉ thị phương thức thông tin liên quan đến dự án thép Hoa Sen Cà Ná. Việc Bộ Công thương đưa dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận bổ sung vào quy hoạch ngành thép giai đoạn 2020 xét đến 2025 thực chất còn nhiều thiếu sót trong quá trình đánh giá và phê duyệt.

Những câu hỏi liên quan đến công nghệ, quy trình, và nguồn vốn của dự án thép này vẫn đang nằm trong trạng thái chờ xử lý bởi chủ đầu tư chưa hoàn thành hồ sơ trình cho tỉnh.

Tại sao báo chí lại nhận được chỉ thị im lặng trong lúc này???

Bài toán đặt ra cho tỉnh Ninh Thuận hiện nay có lẽ không khác gì bài toán mà ông Võ Kim Cự đã từng đặt bút giải cho Hà Tĩnh ở những năm trước. Thu hút đầu tư, phát triển FDI bằng mọi giá, dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp để phát triển tương lai… Và kết quả là đời sống kinh tế - xã hội của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung bị đảo lộn.

Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và những bài học có thể nhìn thấy và tránh ngay từ đầu chứ không thể xây dựng kinh tế bằng cách rút kinh nghiệm như hàng chục năm qua Việt Nam đã và đang làm.

Buộc báo chí đứng ngoài cuộc trong việc thông tin về dự án thép Hoa Sen Cà Ná hôm nay, một lần nữa Ban tuyên giáo đang chứng minh chủ trương bịt miệng đã từng được sử dụng trong dự án bauxite, Dung Quất, Formosa Hà Tĩnh… là phương thức cuối cùng để khẳng định tính khả thi của một dự án mà người dân không có quyền lựa chọn.

clip_image002

Ảnh : Các nhà báo trẻ ở Myanmar biểu tình vì tự do báo chí năm 2013. Nguồn : AP.

Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác của mình khi nhận ra anh bạn học cùng trong góc xa của khuôn hình. Chúng tôi đã tạm biệt nhau sau những ngày tiếp cận tự do báo chí với hy vọng sẽ thấy thay đổi trên quê hương mình.

Link tham khảo: 
(1) http://plo.vn/…/hop-bao-le-hoi-nho-va-vang-nhung-nong-chuye…

M.N.

Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1149755458447643&id=100002395992114

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn